Bước đầu thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030”

Những năm qua, thành phố Cần Thơ luôn xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có ý nghĩa thiết thực đối với việc xây dựng con người, tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của cá nhân và cộng đồng, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Phong trào luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố. Ban Chỉ đạo phong trào các cấp đã có sự thống nhất trong công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện và phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, phối hợp và đẩy mạnh các phong trào ở địa phương gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng gia đình văn hóa trong xây dựng người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030”. Ảnh: Thúy Cải

Phát huy những kết quả đạt được của phong trào trong xây dựng con người, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030” theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017, trong đó giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể thực hiện. Do Đề án ở quy mô cấp cơ sở, nên phạm vi đối tượng nghiên cứu của Đề án được xác định là xây dựng và phát triển con người Cần Thơ – trong lĩnh vực văn hóa – đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ khi Đề án được đưa vào cuộc sống, phong trào càng phát triển sâu rộng và hiệu quả của phong trào đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; đạt được một số kết quả tích cực và huy động được toàn bộ lực lượng của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và phát triển văn hóa với những nhân tố mới trên lĩnh vực văn hóa xã hội, thể hiện rõ nhất là làm thay đổi diện mạo cả nông thôn, thành thị; đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo; quốc phòng an ninh được giữ vững; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú và đa dạng. Công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh, hàng năm tuyên truyền trên 100 băng rôn ngang, 300 băng rôn dọc. Đặc biệt, tháng 10/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công Tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng gia đình văn hóa trong xây dựng người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030” với trên 130 đại biểu tham dự là các nhà báo, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể thành phố,.. Qua buổi Tọa đàm, Ban Tổ chức đã tìm ra được những giải pháp khả thi để tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, ban hành các chương trình, chính sách, chế độ phù hợp, từng bước xây dựng thành công con người Cần Thơ.

Song song đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống địa phương cũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng trong quần chúng nhân dân và thế hệ trẻ. Bảo tàng thành phố đã phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền và giáo dục di sản văn hóa trong học đường tại các trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ bằng nhiều hình thức: Đến các trường tuyên truyền, sinh hoạt dưới cờ, gửi bài tuyên truyền; phối hợp tổ chức các hoạt động như: Chương trình “Vui hè học Sử”, “Vui học Sử Việt”, “Tuổi trẻ học đường hướng về biển đảo”, “Học cùng nghệ nhân” Năm học 2018  -2019, tổ chức 25 chương trình, thu hút 9.397 giáo viên, sinh viên và học sinh. Các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng tiếp đón 77 đơn vị, trường học với 16.193 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đến tham quan, học tập và chăm sóc tại các di tích.

Thư viện thành phố đã tích cực, chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại trên nền tảng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công nghệ thông tin đặc biệt mở rộng ở các mặt công tác chuyên môn, cải cách hành chính, sản phẩm - dịch vụ thông tin Thư viện được thực hiện hiệu quả; gắn kết các hoạt động chuyên môn với phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,… Toàn hệ thống thư viện công cộng thành phố phục vụ 3.029.400 lượt người đọc, đạt 102% kế hoạch năm với 5.980.150 lượt sách báo; bổ sung 29.000 bản sách, đạt 100% kế hoạch năm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản trị thư viện và Cổng thông tin điện tử Thư viện thành phố Cần Thơ.

Trong những năm qua, lĩnh vực thể dục, thể thao thành phố Cần Thơ đã đạt được kết quả nhất định. Trong đó thể thao quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đa dạng, người dân trong Thành phố đã ý thức được việc rèn luyện sức khỏe, số người tự giác tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên ngày càng tăng, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thể thao quần chúng từng bước được nâng cấp, xây dựng mới, công tác xã hội hóa các hoạt động thể thao quần chúng có định hướng, ngày càng đi vào nề nếp, mang đến tác dụng tích cực, thiết thực phục vụ cho việc tập luyện thể dục, thể thao của quần chúng nhân dân. Năm 2019, số người tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên là 385.246 người, đạt 100%/ kế hoạch năm; số gia đình thể thao là 71.468 hộ, đạt 100% kế hoạch năm; số CLB TDTT là 1.214 CLB, đạt 100% kế hoạch năm.

            Với kết quả trên, qua hai năm triển khai Đề án, đến nay, toàn thành phố có 83/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, 630/630 ấp, khu vực văn hóa. Qua đó, có thể khẳng định ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các ban, ngành, đoàn thể thành phố đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm triển khai Đề án mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ đang nỗ lực phấn đấu xây dựng những con người phát triển cao về trí tuệ, khỏe về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức để tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030.
Hồng Ngọc
Các bài viết khác:
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3   (10/04/2020)
Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, du lịch   (10/04/2020)
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020   (10/04/2020)
Quyển sách “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”   (30/01/2020)
Niềm vui thiện nguyện   (30/01/2020)
<<    1  2